Giàn khoan LSP-1 của Tập đoàn LUKOIL thuộc Nga ở ngoài khơi Biển Caspi, cách Astrakhan khoảng 180km. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ Ngoại giao Nga, các biện pháp trừng phạt là bất hợp pháp và cho biết đã mở rộng đáng kể danh sách đen những người bị cấm nhập cảnh Nga.

Trước đó, ngày 24-7, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga và lần đầu tiên đánh vào hoạt động xuất khẩu khí đốt của nước này. Gói trừng phạt bao gồm lệnh cấm các công ty xuất khẩu khí đốt từ Nga sử dụng các cảng của khối để chuyển khí đốt giữa các tàu chở dầu lớn và các tàu nhỏ hơn dành cho các nước thứ ba nhưng không có lệnh cấm hoàn toàn đối với các quốc gia EU mua nhiên liệu.

Gói trừng phạt mới cũng cung cấp cho EU nhiều công cụ hơn để ngăn việc lách luật trừng phạt đồng thời nhằm mục tiêu thêm vào 116 cá nhân và tổ chức, nâng tổng số lên 675 cá nhân và tổ chức (trong đó có 61 công ty từ các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ). Theo EU, các công ty nằm trong danh sách hiện đang phải chịu những hạn chế mạnh mẽ đối với việc bán hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng có thể được sử dụng để tăng cường lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Nga.

Gói trừng phạt mới của EU sẽ có hiệu lực sau thời gian chuyển tiếp kéo dài 9 tháng. Đây cũng là lần đầu tiên EU ban hành lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng - loại hàng hóa mà một số quốc gia thành viên của khối vẫn tiếp tục mua từ Nga, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang năm thứ 3.

Trong khi đó, theo Tass, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết nền kinh tế Nga đã đối phó tốt với các lệnh trừng phạt của EU và sẽ tiếp tục vượt qua gói trừng phạt thứ 14. Ông Grushko khẳng định: “Nền kinh tế Nga sẽ không chỉ đối phó với các gói trừng phạt mà còn có tốc độ tăng trưởng 3,6%”.

KHÁNH MINH